HƯỚNG NGHIỆP, PHÂN LUỒNG TỐT SẼ GIÚP HỌC SINH ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI
Việc Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 522/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” cho thấy vai trò hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông hiện nay là rất quan trọng và cần thiết.
Bởi thực tế, những năm qua ở các trường phổ thông chưa làm tốt công tác này, nhất là cấp trung học cơ sở.
Từ đó, vừa làm tăng áp lực thi cử cho các nhà trường, vừa lãng phí thời gian, vật chất của nhiều phụ huynh và học sinh.
Cần có những định hướng tốt cho các em học sinh lựa chọn nghề nghiệp ( Ảnh minh họa: vov.vn)
Nhiều ban giám hiệu chưa chú trọng công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh
Phải thừa nhận một điều là công tác hướng nghiệp đối với học sinh lớp 9 của cấp trung học cơ sở hiện nay rất hời hợt nên chưa mang lại hiệu quả.
Mỗi tháng chỉ 1-2 tiết hướng nghiệp, trong khi nhiều ban giám hiệu tự phân công cho mình phụ trách mảng này.
Tuy nhiên, nhìn từ thực tế thì những tiết học này rất ít được thực hiện. Phần nhiều chỉ thực hiện ở việc kí sổ đầu bài để hoàn thành số tiết theo định mức trên giấy tờ và đủ điều kiện để một số thành viên ban giám hiệu nhận phụ cấp đứng lớp mà thôi.
Nhiều lớp thì giáo viên chủ nhiệm phụ trách nhưng vì số tiết quá ít nên thầy cô cũng chỉ là định hướng chung chung cho học trò. Bởi, thực tế, các trường phổ thông chưa có giáo viên chuyên trách cho hoạt động này.
Chính vì công tác phân luồng, hướng nghiệp chưa tốt, chưa được chú trọng ở những năm cuối cấp trung học cơ sở bởi các ban giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm chỉ hướng các em thi vào tuyển sinh 10.
Nhiều ban giám hiệu mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, định hướng ôn thi để có tỉ lệ đỗ cao nhằm lấy thành tích và thương hiệu cho nhà trường.
Việc định hướng cho những em học sinh có học lực trung bình hoặc yếu kém đi học nghề nhiều không được chú tâm.
Trong khi đó, hầu như tỉnh nào cũng có trường nghề, được đầu tư tương đối hiện đại, học sinh vào học có nhiều chính sách ưu đãi và lợi thế nhưng lại không tuyển được thí sinh nên đành phải hoạt động cầm chừng.
Chính vì nhà trường định hướng nghề nghiệp cho học sinh chưa tốt, trong khi các em học sinh chưa tường tận được thị trường lao động sau này như thế nào.
Chưa hiểu được con đường gian gian sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, đại học sẽ ra sao nên nhiều em chỉ biết học để thi, học để nuôi hi vọng.
Phụ huynh thì cũng không phải là ai cũng nắm được thông tin lao động nên cũng muốn cho các em học hành cao để sau này đỡ khổ.
Chính sự tù mù của một bộ phận phụ huynh, học sinh và sự hời hợt trong định hướng của nhà trường đã khiến áp lực thi tuyển 10 ngày càng áp lực.
Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 có gì mới?
Trước tình hình phân luồng và định hướng nghề nghiệp của các trường phổ thông chưa được chú trọng, trong khi tình hình thực tiễn đất nước lại đang rất cần những lao động được đào tạo và có tay nghề vững vàng để bước vào hội nhập với thi trường lao động quốc tế.
Vì thế, đề án hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh ra đời là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh giáo dục hiện nay.
Trong phần Mục tiêu cụ thể của đề án đã được nêu rõ:
“a) Mục tiêu đến năm 2020:
– Khoảng 55% trường trung học cơ sở, 60% trường trung học phổ thông có Chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; đối với các trường ở địa phương có Điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 50% đối với cả hai cấp học trên;
– Khoảng 55% trường trung học cơ sở, 60% trường trung học phổ thông có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ; đối với các địa phương có Điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 50% đối với cả hai cấp học trên;
– Phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có Điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 25%;
– Phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng; đối với các địa phương có Điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.
b) Mục tiêu đến năm 2025:
– Phấn đấu 100% trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có Chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; đối với các trường ở địa phương có Điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%;
– Phấn đấu 100% trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ; đối với các địa phương có Điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%;
– Phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có Điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%;
– Phấn đấu ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng; đối với các địa phương có Điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%.
Như vậy, để thực hiện được đề án này thì việc phân luồng, hướng nghiệp của nhà trường cần phải những kế hoạch cụ thể và phải được chú trọng hàng năm.
Bởi, phần nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của đề án đã chỉ rõ: “Đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục phổ thông, cha mẹ học sinh, học sinh và trong các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông”.
Và, mục tiêu chỉ đạt được khi có sự chung tay của mọi ban ngành và sự thay đổi suy nghĩ của các bậc phụ huynh học sinh.
Phụ huynh và học sinh cần nắm bắt cơ hội
Trong nền kinh tế thị trường, sự cần thiết là nắm bắt nhu cầu việc làm để phù hợp với bối cảnh hội nhập của đất nước trong tình hình hiện nay.
Điều mà phụ huynh và các em học sinh cần nghĩ đến là thị trường lao động và khả năng của từng học trò.
Nếu như những em có học lực bình thường thì việc cho các em đi học nghề ngay sau khi học xong lớp 9 sẽ giúp cho gia đình đỡ đi rất nhiều chi phí học tập. Bởi, thực tế, nhiều trường nghề hiện nay đang thực hiện vừa dạy nghề, vừa dạy văn hóa.
Vì vậy, sau 3 năm học ở trường nghề thì các em vừa có bằng nghề và lại cũng hoàn thành được chương trình lớp 12.
Trong khi, cũng cùng thời gian này thì các bạn cùng trang lứa cũng vừa tốt nghiệp lớp 12.
Như vậy, khi các em chịu phân luồng sau lớp 9 bắt đầu đi làm thì các em học sinh lớp 12 mới lại bắt đầu học nghề – muộn mất 3 năm cùng sự lãng phí rất nhiều tiền bạc cho việc học thêm, học chính khóa.
Hơn nữa, nhiều em học sinh lớp 12 tốt nghiệp xong cũng đi học nghề, thậm chí nhiều người tốt nghiệp đại học, cao học nhưng không có việc làm lại quay lại học nghề trong thời gian qua không phải là hiếm. Rõ ràng, cái vòng luẩn quẩn đó đã gây tốn kém vô cùng cho xã hội và phụ huynh học sinh.
Thế nhưng, vì sao các em học sinh lại không học xong lớp 9 rồi đi học nghề mà phải vất vả học thêm từ 7-8 năm nữa mới quay lại học nghề với rất nhiều lãng phí?
Có lẽ, một phần do công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp của chúng ta trong thời gian qua chưa tốt.
Quyết định số 522/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 không chỉ là yếu tố “cần có” mà còn là “cần thiết” để nhà trường và phụ huynh học sinh lưu tâm nhằm định hướng nghề nghiệp cho học sinh và con em mình.
Mỗi người khi trưởng thành luôn cần có một nghề nghiệp ổn định, có thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình.
Trong bối cảnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, chúng ta rất cần những chuyên gia giỏi, những nhà khoa học lớn nhưng bên cạnh đó cũng rất cần những người thợ lành nghề để hội nhập.
Nhất là hiện nay tỉnh nào cũng có khu công nghiệp, cụm công nghiệp thì việc học nghề sẽ không phải bận tâm chuyện “thất nghiệp” khi ra trường.
Theo giaoduc.net.vn./.